-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Cô gái tự 'trồng' rau quả từ đất sét
29/05/2021 Đăng bởi: NGUYỄN TÙNG LÂM
Một lần xem clip làm chiếc kem mini từ đất sét giống y như thật, Như Quỳnh mày mò làm thử và không ngờ bộ môn này theo mình suốt 10 năm qua.
Mãi về sau này, khi tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp làm những vật thể siêu nhỏ, cô gái 31 tuổi ở Gia Lâm mới biết đó là bộ môn nghệ thuật miniature food - đồ ăn mini mô phỏng - có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Mô hình rau củ quả Quỳnh làm có tỷ lệ 1/12 so với kích cỡ thật.
Mười năm trước, lúc Quỳnh bắt tay vào tìm hiểu cách làm, bộ môn nghệ thuật này chưa phổ biến tại Việt Nam, nên rất khó mua nguyên liệu. Cô phải đặt mua ở nước ngoài, thậm chí nhờ bạn bè đặt hàng giúp. "Giá cao, nguyên liệu thì phong phú nên tìm được đủ thành phần cũng rất vất vả. Mỗi lần chờ đồ về Việt Nam cũng mất 2 tuần thì mới có thể bắt đầu", cô nhớ lại.
Thời chưa có kinh nghiệm, Quỳnh phải xem clip hướng dẫn của nước ngoài rồi bắt chước theo. Những sản phẩm đầu tiên "rất thô sơ", từ tạo hình đến màu sắc. Tuy vậy, cô gái chưa khi nào có ý định bỏ cuộc, nhiều đêm thức trắng, mày mò để ra được công thức chuẩn nhất. Sau một thời gian tập luyện và quan sát, những sản phẩm ra đời tinh xảo hơn, nhờ hiểu được những bước cơ bản để tạo hình.
Quỳnh thường xuyên quan sát món ăn thực tế hàng ngày. Trong lúc làm, luôn có một mẫu vật thật để song song khi tạo hình. "Như vậy tôi sẽ thể hiện được chuẩn tỷ lệ cũng như hình dáng, màu sắc của sản phẩm nhất", cô chia sẻ.
Cô gái Hà Nội chủ yếu làm mô hình đồ ăn như rau củ, trái cây các loại cho đến những món ăn vặt, tráng miệng trong và ngoài nước,... với tỷ lệ bằng 1/12 thực tế. Sản phẩm lớn nhất cô từng làm có chiều dài 2,5 cm, nhỏ nhất chỉ 0,2 cm, càng nhỏ làm càng khó.
Nguyễn Như Quỳnh bên mô hình đồ ăn hoàn toàn từ đất sét của mình.
Nguyễn Như Quỳnh cho biết, điều khó nhất của việc làm mô hình đất sét là miêu tả được độ chính xác của sản phẩm. Mỗi sản phẩm đều trải qua ba bước. Đầu tiên là lọc từ hàng chục loại màu khác nhau để chọn ra vài loại phù hợp nhất với đất sét, không bị phai theo thời gian. Bước hai là tạo hình. Quỳnh sử dụng nhiều dụng cụ khác nhau để tạo hình như gỗ, kim loại và silicon. Bước cuối là dặm màu để sản phẩm được miêu tả rõ độ đậm nhạt. Cuối cùng là quét một lớp phủ bảo vệ sản phẩm.
Trung bình một mô hình đơn giản lấy của cô gái 4-5 tiếng, sản phẩm phức tạp mất vài ngày. Quỳnh chủ yếu làm về mô hình đồ ăn Việt Nam, thi thoảng cô cũng sáng tạo mô hình búp bê, em bé.
Hiện tại, Như Quỳnh sở hữu 1.000 sản phẩm lớn nhỏ và 10 căn nhà búp bê với đầy đủ trang thiết bị như phòng bếp, phòng ngủ... hoàn toàn từ đất sét.
Ngoài đồ ăn, hoa quả, Như Quỳnh còn chế tác ra những ngôi nhà búp bê siêu nhỏ với đầy đủ đồ đạc thiết yếu.
Xuất phát điểm làm vì đam mê, về sau nhiều người thích các sản phẩm giống y như thật này nên hỏi mua, Quỳnh mới làm để bán. Những đồ ngọt mini đơn giản có kích cỡ hơn một cm, có giá 30-40.000 đồng, bánh gato kích thước 2,5 cm có giá 60.000-120.000 đồng. Đồ ăn mặn giá nhỉnh hơn một chút. Ngoài ra cô còn chọn bán theo bộ (set), gồm nhiều món ăn, có giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.
Một số tác phẩm từ đất sét của Nguyễn Như Quỳnh
(Nguồn VnExpress)